Nguyễn Đức Tuấn Dũng, cựu học sinh THPT Kim Liên, đã xuất sắc ghi dấu ấn khi nhận được thư mời nhập học từ Maastricht University, một trong những trườngChi tiết
Nguyễn Đức Tuấn Dũng, cựu học sinh THPT Kim Liên, đã xuất sắc ghi dấu ấn khi nhận được thư mời nhập học từ Maastricht University, một trong những trườngChi tiết
Trước khi qua Phần Lan, tôi vào Internet thử học mấy câu hội thoại đơn giản tiếng Phần và tự hứa trong một tháng đầu không phải học gì lắm, tôi sẽ cố gắng học tiếng Phần thật chăm chỉ.
Đúng như dự định, hai ngày sau khi ổn định, tôi bắt đầu lên mạng tìm các trang web dạy tiếng Phần, từ điển tiếng Phần, rồi tìm được hai cuốn sách có tên “Teach yourself Finnish” và ‘Finnish for beginners”. Tôi cặm cụi nghe những bài hội thoại ngắn và tập học ngữ pháp.
Sự quyết tâm tự học của tôi chỉ kéo dài được chưa đầy một tuần và tôi cất sách để đấy. Tôi cảm thấy bực mình vì tra từ điển cũng không nổi nếu không biết hết ngữ pháp. Đối với tiếng Anh hay Đức, bạn có thể học từ vựng mà chưa cần biết ngay ngữ pháp, nhưng đối với tiếng Phần, nhìn vào một câu mà bạn không biết phân biệt thành phần ngữ pháp, bạn sẽ không tra nổi từ điển bởi nó biến đổi lung tung, thêm bớt đủ kiểu.
Tiếng Phần, cùng hệ tiếng Hungary và Estonia, là một trong những ngôn ngữ kỳ lạ nhất ở Châu Âu với những quy luật riêng. Chị bạn người Thổ Nhĩ Kỳ nói là nó cũng khá gần tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi lấy một ví dụ đơn giản nhé:
Minä asun Helsingissä (Tôi sống ở Helsinki).
Nhìn thì đơn giản vậy thôi, nhưng bạn phải chia động từ “asua” > “asun” theo chủ ngữ. Không phải chỉ có một cách chia này mà còn hàng loạt các loại động từ khác không kết thúc bằng hai nguyên âm. Tiếp đó là cụm “ở Helsinki” > “Helsingissä”. Ở đây “ssä” có nghĩa là “ở”. Vì từ Helsinki không có bất nguyên âm nào trong đó nên người ta dùng “ä” thay vì “a”. Rồi khi thêm đuôi như vậy, “nk” phải chuyển thành “ng”. Vậy trong một câu đơn giản như thế này có tới 4 quy tắc. Thử tượng tượng khi bạn nói một câu dài và phải chia ngôi, chuyển từ, thêm thắt đủ kiểu…
Ý định tự học tiếng Phần sa sút từ đó, tôi phó mặc số phận quyết định và chờ đợi ngày đi học tiếng ở trên trường với hi vọng là có sự hướng dẫn của cô giáo và được học chung với các bạn, tôi sẽ có động lực lớn lao hơn.
Sinh viên nước ngoài buộc phải học tiếng Phần trong học kỳ đầu bởi họ cần có kiến thức tiếng Phần cơ bản để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì ở Phần Lan và nhất là ở các thành phố lớn, hầu như ai cũng nói được tiếng Anh một cách trôi chảy nên nhu cầu học tiếng Phần Lan vẫn được xem là một câu hỏi ngỏ.
Có một khó khăn chung trong việc học tiếng Phần Lan của các du học sinh là hễ họ nói một câu tiếng Phần đơn giản (mà vẫn ấp úng) ở cửa hàng, thì họ sẽ nhận được ngay câu trả lời bằng tiếng Anh, kiểu như: What would you like? How can I help you? (Bạn muốn gì vậy? Tôi có thể giúp gì được cho bạn?) Và chỉ như vậy thôi, nhiệt huyết và quyết tâm thực hành tiếng Phần của bạn ngay lập tức biến mất.
Những buổi học tiếng đầu tiên ai cũng hăm hở học hành, chăm chỉ làm đầy đủ bài tập về nhà, thực hành một cách nghiêm túc trên lớp. Thế nhưng vấn đề là để học được tiếng Phần, bạn phải học ngữ pháp, và khi ngữ pháp khó dần, cộng với vốn thời gian trở nên hạn hẹp hơn do phải dàn trải cho những môn khác, mọi người thường cảm giác xem đây là một môn học “bắt buộc" hơn là tự nguyện.
Sang giai đoạn thứ 2 của học kỳ đầu tiên, tiếng Phần gần như trở thành một “gánh nặng” cho chúng tôi mỗi ngày lên lớp và ai cũng mong thi cho thật nhanh để thoát nạn. Sau khóa học này, chỉ có một vài bạn tiếp tục học vì có ý định ở lại đây, nhưng tôi nghe nói các bạn cũng chỉ tiếp tục được một khóa nữa.
Cuối cùng, sau 2 năm, tiếng Phần lan của tôi vẫn chỉ dừng lại ở những câu đơn giản nhất như “mita kuuluu?” (bạn có khỏe không) hay Moi Moi Hei Hei (xin chào, tạm biệt). Thế nhưng tôi phải nhấn mạnh là mặc dù trong cuộc sống hàng ngày và khi lên lớp bạn không hề cần đến tiếng Phần Lan, nhưng nếu bạn muốn tìm được việc làm thêm hoặc việc làm chính thức ở đây, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thì ngôn ngữ bản địa là điều vô cùng cần thiết.
Học tiếng Phần Lan sẽ giúp bạn hòa nhập nhanh chóng hơn với nếp sống địa phương
Dù những công việc làm thêm phổ biến của du học sinh Việt như dọn dẹp, giao báo, chăm sóc người già, người tàn tật thường không yêu cầu tiếng Phần. Nhưng có một lưu ý nhỏ là dù biết tiếng Phần ở cấp độ cơ bản, bạn vẫn nên chỉ cho người tuyển dụng (khi đi xin việc chẳng hạn) thấy “mong muốn” nâng cao trình độ tiếng Phần của mình. Ngoài ra, “Bạn nên cân nhắc việc theo đuổi tiếng Phần ngay từ đầu, nhất là đối với các bạn học ở bậc cử nhân vì thường các bạn sẽ ở đây ít nhất từ 3-4 năm và có thể sau đó là 2-3 năm học thạc sỹ nữa".
Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại ở đây: tìm cho mình một động lực thực sự và kiên trì là chìa khóa thành công trong việc học tiếng Phần Lan.